Anh Tuấn | 2020-04-16 11:02:00 4046 views
“Tôi đã khước từ khá nhiều mối quan hệ vì bị ép quá nhiều khi nhậu cùng nhau, bởi theo tôi những con người như thế đều ích kỷ và rất ít biết đặt mình vào vị thế người khác”, anh Nam chia sẻ.
Rượu, bia là thứ không thể thiếu trong các cuộc gặp mặt bạn bè, tiếp xúc đối tác, liên hoan sinh nhật, ăn mừng chiến thắng…Một số ý kiến cho rằng đàn ông muốn tiến thân, muốn có quyền, có tiền thì phải biết uống rượu để mở rộng các mối quan hệ. Vậy rượu giữ vai trò như thế nào trong kinh doanh và ngoại giao? Ở vị trí quản lý, cũng thường xuyên phải tiếp đối tác ở quán nhậu, anh Lê Nam, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Tiết kiệm năng lượng Bách Khoa chia sẻ vai trò của rượu bia trong kinh doanh và những bí quyết kiểm soát bản thân khi ngồi trên bàn nhậu.
Anh đánh giá thế nào về chuyện uống rượu bia của đàn ông Việt hiện nay?
Theo quan điểm của tôi, đàn ông hay phụ nữ uống rượu đều có thể chấp nhận được cả vì rượu là chất xúc tác rất tốt trong việc gắn kết, mở rộng mối quan hệ. Đặc biệt những cuộc liên hoan hay họp lớp, theo văn hoá chung của phương đông thì chúng ta sẽ quây quần với nhau và chia sẻ.
Tuy nhiên, tôi không đồng tình với hầu hết quan điểm sử dụng rượu bia tại Việt Nam. Theo đánh giá mới đây nhất, Việt Nam là nước sử dụng lượng rượu bia lớn thứ 3 của Châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Không chỉ riêng tôi mà chắc tất cả mọi người đều thấy quá nhiều những cuộc ăn nhậu xuyên ngày, xuyên đêm từ “tăng 1, tăng 2, tăng 3”, người ta có thể uống khi vui, khi buồn, khi rảnh rỗi hay khi tiếp khách. Bất kể lý do là gì thì nơi hẹn hò thường xuyên nhất là các quán nhậu.
Có ý kiến cho rằng “Đàn ông không biết uống rượu là vứt”, họ coi rượu như một thước đo của đàn ông. Cũng là đấng mày râu, anh nghĩ sao về ý kiến này?
Nếu ai ngồi cùng tôi mà nói câu này thì chắc chắn tôi không bao giờ ngồi uống rượu với họ lần thứ 2. Bởi với tôi tửu lượng không phải là uống được nhiều hay ít mà là khẳ năng kiểm soát bản thân sau khi uống. Đàn ông mà lại đem chén rượu là thước đo thì chưa chắc có thể đóng góp gì nhiều cho xã hội. Họ không trở thành gánh nặng cho xã hội là may mắn lắm rồi.
Theo báo chí đưa tin, chỉ trong 8 ngày nghỉ lễ của Việt Nam có đến trên 10 nghìn vụ tai nạn giao thông và trên 2 nghìn vụ đánh nhau, nhìn vào con số này đủ thấy mức độ ảnh hưởng của rượu bia đến xã hội lớn như thế nào. Mà hầu hết những người “Đàn ông chân chính” kia là nguyên nhân của sự quá chén.
Tôi nhớ câu chuyện của cá nhân mình khi còn làm cho doanh nghiệp Đài Loan, một câu chuyện mà có lẽ không bao giờ quên, cũng là một bài học mà tôi học được từ ông chủ của mình. Lúc ấy tôi cũng ở vị trí trưởng phòng kinh doanh, hôm ấy có bố mẹ của phó Giám đốc từ Sài Gòn bay ra Hà Nội và chúng tôi như thường lệ mời 2 bác đi ăn tại một nhà hàng khá sang trọng. Trong bữa hôm ấy chỉ có các cán bộ quản lý và 1 anh “chuẩn bị” được bổ nhiệm. Lần đầu tiên anh ấy được đi cùng các quản lý của công ty nên rất vui, anh uống rất nhiều, đi mời từng người một và đương nhiên không thể thiếu 2 bác và sếp. Anh mời là cứ phải cạn ly, và ép sếp cũng như khách “phải“ giống mình. Khi ngà ngà say anh ngồi luôn vào ghế của phó Giám đốc đã ngồi từ trước mà vô tư nói chuyện với mọi người.
Hôm sau, khi tất cả nhân viên ra về, sếp gọi tất cả trưởng phòng vào phòng họp và “chỉ giáo” từng người. Và dạy chúng tôi về “văn hoá” uống rượu như thế nào là hợp lý. Có người bị “cấm uống” trong 6 tháng khi toàn công ty đi liên hoan, có người thì cứ đi liên hoan là phải “rót rượu” cho tất cả những người còn lại. Còn đối với anh chàng chuẩn bị được “thăng chức” thì ngay lập tức có quyết định dừng vô thời hạn. Bời lẽ, ông cho chúng tôi hiều rằng đàn ông có 3 thứ mà nhất định cần phải vượt qua và làm chủ bản thân thì mới thành đạt được: 1 là Rượu, 2 là Gái và 3 là Cờ bạc. Nhân sự quản lý trong công ty tất cả đều phải đạt được những tiêu chuẩn cơ bản nhất trước khi muốn phát triển tốt hơn.
Là một người làm kinh doanh, thường xuyên tiếp xúc với khách hàng cả trên văn phòng và ngoài quán nhậu. Anh đánh giá như thế nào về vai trò của rượu trong ngoại giao?
Trong kinh doanh hay ngoại giao có lẽ uống rượu khi tiếp khách là một văn hoá “không thể thiếu”. Nó chính là một cơ hội rất tốt để mọi người gần gũi, trao đổi nhiều vấn đề riêng tư hơn, quan trọng nhất là để các bên có thể tìm hiểu những điểm tương đồng. Vì con người thường hay quý những người có xu hướng giống mình.
Tuy nhiên, theo cảm nhận cá nhân thì hầu hết người Việt chúng ta “uống” rất nhiều nhưng lại không hiểu nhiều về “văn hoá” khi uống rượu trong kinh doanh. Tôi đã từng làm việc khá lâu trong doanh nghiệp tư bản và họ luôn tôn trọng người ngồi cùng mâm với mình. Việc lựa chọn rượu thường là khách sẽ chọn loại rượu mình muốn uống chứ không như Việt Nam ta, thậm chí họ còn cho khách uống thử rượu trước khi quyết định sử dụng nó. Họ luôn cố gắng chọn những loại rượu mà nhiều người có thể uống nếu trong bàn tiệc là nhiều người.
Việc giao lưu, tìm hiểu nhu cầu của khác hàng như tôi đã nói ở trên là vô cùng cần thiết, chúng ta không thể cung cấp một sản phẩm nếu không nắm rõ nhu cầu thật sự của khách hàng. Giao lưu chỉ mà một trong những phương thức để có thể tiếp cận và tìm hiều nhu cầu thật sự của khách hàng mà thôi.Có vị giám đốc kinh doanh tiết lộ rằng nhiều hợp đồng kinh doanh của họ được ký kết thành công trên bàn nhậu, anh nghĩ sao?
Tôi cho rằng những hợp tác kinh doanh được ký ngay trên bàn nhậu là một thực tế có xảy ra nhưng giá trị bền vũng cho doanh nghiệp không lâu dài. Đối tác có thể vì những ly rượu của ta mà ký hợp đồng thì cũng có thể vì những cám dỗ của các đối thủ khác mà huỷ hợp đồng.
Để từ chối bạn bè, đối tác trên bàn nhậu là một việc không dễ dàng. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong việc xử lý các tình huống khi bị “ép” uống?
Tuỳ mỗi trường hợp và sự tinh tế của chúng ta để có thể từ chối uống rượu. Nó cũng như việc chúng ta từ chối một lời mời đi ăn vô cùng lịch sự và nhiệt tình của người bạn thân. Đối với tôi, tôi thường cám ơn và xin lỗi vì tửu lượng mình không cho phép dù tôi rất muốn uống thêm vài ly để cám ơn họ. Nếu họ cho phép mình xin phép được nhấp môi để tiếp tục cuộc nói chuyện, hãy cố gắng để họ cảm nhận sự chân thành của mình.
Đối với những thành phần “cố sống cố chết” mời bằng được thì tôi cũng khá thẳng thắn trao đổi quan điểm của mình. Rượu là để giao lưu chứ không phải để ép, quá chén chẳng may tai nạn, ảnh hưởng đến gia đình mình thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, liệu đến lúc ấy các “chiến hữu” có lo cho gia đình tôi được không. Giải thích vô cùng tận tình thế mà vẫn còn bị ép thì chắc có lẽ tôi xin phép đứng dậy. Tôi đã khước từ khá nhiều mối quan hệ vì bị ép quá nhiều khi nhậu cùng nhau, bởi theo tôi những con người như thế đều ích kỷ và rất ít biết đặt mình vào vị thế người khác.
Trở về Trang chủ
Ý kiến của bạn đọc (0)
Bình luận
Liên hệ:
A Hỏi Đáp - Blog Khoa học khám phá
Email: anhsaomai09@gmail.com
Web: https://ahoidap.com
© Copyright 2018 Ahoidap.com. All rights reserved.
Toàn bộ bản quyền thuộc Ahoidap.com