Anh Tuấn | 2020-02-26 23:24:00 1775 views
Bướu cổ có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt cuộc đời. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng, bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các dạng bướu cổ
T3 và T4 là hoóc môn do tuyến giáp tiết ra. TSH là hoóc môn do tuyến yên tiết ra. Nhiệm vụ của TSH là điều hòa sự bài tiết T3 và T4 của tuyến giáp. Quá nhiều hoóc môn T3, T4 được sản xuất gọi là cường giáp; không đủ hoóc môn là chứng suy giáp. Bướu cổ (bướu giáp) là tên gọi chung cho tất cả trường bệnh lý gây tuyến giáp to.
Có nhiều loại bướu lớn lên trong tuyến giáp. Phần lớn bướu thuộc loại lành. Vì tuyến giáp nằm sát da nên khi có sự thay đổi hình dạng hoặc kích thước, người bệnh hoặc bác sĩ rất dễ thấy.
Các bác sĩ thường gọi tuyến giáp lớn hơn bình thường là bướu tuyến giáp, gọi tắt là bướu giáp, người dân gọi là bướu cổ. Khi nói chuyện, uống nước hoặc chỉ nuốt nước miếng, nếu bướu chạy lên chạy xuống dưới trái cổ thì được gọi là bướu giáp. Nếu cả tuyến giáp to đều thì gọi là phình giáp lan tỏa. Trường hợp cả tuyến phình lớn nhưng có chứa một hoặc vài cục, hột được gọi là bướu giáp dạng hạt hay nhân.
Phòng tránh bướu cổ từ gia đình
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bướu cổ là việc thiếu i-ốt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thiếu i-ốt dài ngày khiến cơ thể không đáp ứng đủ nhu cầu hợp thành chất của tuyến giáp trạng, từ đó kích thích tuyến này tăng sinh, sưng to. Khi vào giai đoạn cuối, những tế bào tuyến giáp phì đại có thể phát sinh hoại tử, xuất huyết hoặc vôi hóa.
Các bác sĩ cho biết để không bị mắc bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt, các gia đình, người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em cần tích cực bổ sung đủ i-ốt trong dinh dưỡng hàng ngày.
Các phương pháp điều trị bệnh bướu cổ
Do bướu tuyến giáp gồm nhiều loại, mỗi loại sẽ có phương pháp điều trị phù hợp nhất. Nói chung, điều trị bướu tuyến giáp bao gồm: uống thuốc, xạ trị, mổ hoặc chỉ theo dõi.
- Uống thuốc: Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có các loại khác nhau, như thuốc nội tiết tố tuyến giáp, thuốc iốt, kháng giáp, kháng sinh, thuốc corticoid, ức chế thụ thể beta,...
- Thuốc xạ trị: Dạng i-ốt phóng xạ, thuốc này có tác dụng phá hủy tế bào tuyến giáp.
- Mổ: Tùy loại bướu, bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các phương pháp cắt thùy, cắt giáp gần trọn, cắt giáp toàn phần, cắt eo giáp. Ngoài ra, trong một số trường hợp có thể chọc hút bằng kim để rút nước cho trường hợp bướu chứa nước (gọi là nang giáp).
- Theo dõi: Khi bướu lành, nhỏ, không gây khó chịu, thường không cần điều trị gì và theo dõi bằng cách tái khám định kỳ mỗi 1-2 năm một lần. Cần đi khám ngay nếu có thay đổi vùng cổ hoặc bất thường trong cơ thể.
Khi nào bướu cổ sẽ điều trị bằng phương pháp mổ?
Không phải tất cả bướu cổ đều phải mổ. Các trường hợp cần phải mổ gồm: Bướu lành gây chèn ép khó thở, khó nuốt, hoặc gây mất thẩm mỹ, ung thư hoặc nghi ngờ ung thư rối loạn chức năng tuyến giáp loại cường giáp. Không cần mổ trong trường hợp bướu lành nhỏ và không bắt buộc mổ khi bướu lành to nhưng không gây khó thở, khó nuốt.
Trở về Trang chủ
Ý kiến của bạn đọc (0)
Bình luận
Liên hệ:
A Hỏi Đáp - Blog Khoa học khám phá
Email: anhsaomai09@gmail.com
Web: https://ahoidap.com
© Copyright 2018 Ahoidap.com. All rights reserved.
Toàn bộ bản quyền thuộc Ahoidap.com