Anh Tuấn | 2020-04-17 05:47:00 790 views
Tại tòa đàm, ban tổ chức cũng phát động cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên lần thứ nhất – năm 2016.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Anh Tuấn – Phó bí thư thường trực Hội Sinh viên Việt Nam cho rằng từ khóa “khởi nghiệp” chưa bao giờ “nóng” như bây giờ ở Việt Nam. “Khởi nghiệp được nhắc tới từ Chính phủ đến địa phương. Tuy nhiên, đây không phải là một khái niệm mới. Thời chúng tôi cách đây mấy chục năm khái niệm ‘khởi nghiệp’ chưa tồn tại nhưng bản chất thì đã có từ thời đó. Nghề truyền thống của chúng tôi thời đó là gia sư, ai liều hơn thì mới dám khởi nghiệp”.
“Bản chất của tuổi trẻ là sáng tạo” – ông khẳng định. Tuy nhiên, nhiều ý tưởng đã phải “chết yểu” vì sinh viên không nhận được sự hỗ trợ kịp thời. “Chưa bao giờ sinh viên được hỗ trợ khởi nghiệp nhiều như bây giờ. Chỉ cần các bạn có một ý tưởng tốt thôi thì sẽ có rất nhiều hỗ trợ khác cho các bạn, từ việc hoàn thiện ý tưởng, cấp kinh phí, hỗ trợ các thiết bị kỹ thuật, không gian làm việc…”Ông Tuấn cũng vui vẻ chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân. “Vốn nóng tính nên tôi không hợp với nghề gia sư. Gia sư mà mắng con nhà người ta thì không được. May mắn là tôi cũng có vài tải lẻ khác. Tôi đi cắt tóc, rồi sau đó mở hiệu cắt tóc, cũng khá đông khách… Công việc thứ hai của tôi là chụp ảnh, sau đó tôi cũng mở được một studio. Mà hồi đó cả thành phố Hà Nội chỉ có khoảng 10 studio”.
“Mục tiêu của cuộc thi này là thu hút được thật nhiều sinh viên để không một ý tưởng nào bị bỏ phí. Cuộc thi cũng tạo sân chơi, khích lệ tinh thần sáng tạo, tận dụng những ý tưởng tốt, có ích cho cộng đồng” – ông Tuấn chia sẻ.
![]() |
Ông Phạm Trung Thành – Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm |
Tọa đàm diễn ra tại ĐH Quốc gia Hà Nội nên các bạn sinh viên tới tham dự chủ yếu tới từ các trường thành viên. “Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều ở sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội. Các bạn có một kỳ thi đánh giá năng lực riêng để vào được trường, và kỳ thi này chắc hẳn sẽ chọn được những bạn có kỹ năng toàn diện hơn. Không phải cứ sinh viên kinh tế, công nghệ thông tin, kỹ thuật… mới khởi nghiệp được. Các bạn học ngoại ngữ khởi nghiệp cũng rất tốt, trong khi người người nhà nhà đang đua nhau học ngoại ngữ”.
“Các bạn hãy sáng tạo và mạnh dạn lên. Đừng ngần ngại. Ý tưởng dù nhỏ hãy đưa ra để được hỗ trợ trở thành những ý tưởng lớn thành công” – ông kêu gọi.
Anh Trần Quang Hưng – đồng sáng lập không gian làm việc chung Up Co-working Space, một trong ba khách mời tham gia tọa đàm, cho rằng “khởi nghiệp ở thời điểm này rất quan trọng với Việt Nam vì chúng ta đang có dân số vàng”.
Anh đưa ra một số phân tích về những thuận lợi và khó khăn cho các bạn trẻ khởi nghiệp ở thời điểm này. “Có 2 yếu tố thuận lợi. Thứ nhất là năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp, sẽ có rất nhiều những hỗ trợ dành cho các bạn. Thứ hai là hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đang hình thành và phát triển. Nếu các bạn không nắm bắt được cơ hội vào thời điểm này, chỉ ít năm nữa thôi, sẽ có rất nhiều nhân tố nhảy vào và sẽ khó khăn hơn cho các bạn trong việc cạnh tranh”.
Về những khó khăn, anh Hưng cho rằng người khởi nghiệp còn thiếu các kỹ năng thực tế, vốn hạn hẹp, chưa hiểu rõ về các thủ tục hành chính, quy định, và chưa sẵn sàng bỏ ra chi phí cơ hội.
Võ Ngọc Quý – đồng sáng lập, giám đốc khối vận hành KitFe (Kitchen For Everyone), một cựu sinh viên ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội – chia sẻ, quan trọng nhất là tinh thần khởi nghiệp. Nếu đã có tinh thần khởi nghiệp mà không có ý tưởng, hãy đi tìm người có những ý tưởng hay ho. “Nếu mình là con số 0 thì hãy đi tìm những con số 1” – Quý nói.
Ngoài ra, người đồng sáng lập ý tưởng đưa “cơm mẹ nấu” tới dân công sở cho rằng, các bạn khởi nghiệp cần phải trăn trở với ý tưởng của mình vì mình là người hiểu ý tưởng của mình nhất, hiểu khách hàng của mình nhất.Một trong những kinh nghiệm tìm “partner” của chàng trai trẻ này là “con người đi trước, công việc đi sau”. “Tỷ lệ khởi nghiệp thành công rất thấp – dưới 10% với Silicon Valley – nên cần phải chuyển đổi khi cần thiết. Vì thế, cần phải tìm được những người phù hợp, có thể thay đổi”.
“Thị trường là đối thủ của bạn. Các mô hình truyền thống là đối thủ của bạn. Và bạn đang đi phá vỡ những mô hình đó” – Ngọc Quý cũng khẳng định đây chính là mục tiêu của KitFe - đưa cơm mẹ nấu của các bà nội trợ tới dân công sở và “xóa sổ” cơm bình dân.
Trong phần giao lưu với các diễn giả, một sinh viên đặt câu hỏi: “Ý tưởng không mới thì không được quan tâm, không nhận được đầu tư. Còn ý tưởng quá mới lạ thì nhà đầu tư lại nghi hoặc, lại đòi hỏi phải có tính khả thi, yếu tố để thành công. Vậy làm thế nào để bọn em biết ý tưởng nào phù hợp với nhà đầu tư nào?”.
Trả lời câu hỏi này, Ngọc Quý cho rằng, bạn hỏi như vậy nghĩa là bạn còn đang băn khoăn. “Liệu chính bạn đã dám đầu tư vào ý tưởng của mình hay chưa? Liệu bạn có dám bỏ ra chi phí cơ hội cho ý tưởng đó? Các bạn phải tự tin vào ý tưởng của mình và phải thử”.
Chia sẻ với sinh viên, ông Phạm Trung Thành - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam nói “có nhiều bạn hỏi ‘sinh viên sư phạm thì khởi nghiệp thế nào?’”
“Các bạn học sư phạm có thể khởi nghiệp về giáo dục, nghĩ ra những công cụ mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội. Hoặc cũng có rất nhiều bạn khởi nghiệp ở lĩnh vực không thuộc chuyên ngành mình đã học, mà là lĩnh vực mà mình yêu thích, đam mê”.
Ông Thành cho biết thêm, cuộc thi “Start-up Student Ideas” là cuộc thi dành cho sinh viên và sẽ đánh giá các thí sinh dưới góc độ sinh viên. Với những ý tưởng đạt giải, ngoài số tiền thưởng và tiền đầu tư, Trung tâm sẽ giúp các bạn kết nối với các doanh nghiệp.
Trở về Trang chủ
Ý kiến của bạn đọc (0)
Bình luận
Liên hệ:
A Hỏi Đáp - Blog Khoa học khám phá
Email: anhsaomai09@gmail.com
Web: https://ahoidap.com
© Copyright 2018 Ahoidap.com. All rights reserved.
Toàn bộ bản quyền thuộc Ahoidap.com